Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới Công tác xã hội được công nhận là một nghành nghề mang tính chuyên môn với chức năng là ngăn ngừa và khắc phục những vấn đề xã hội, tập trung vào những mối quan tâm và nhu cầu của con người, đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn và phát huy tối đa khả năng của bản thân. Tại Việt Nam, Công tác xã hội cũng đã có những bước đầu hình thành và phát triển, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, để nghề công tác xã hội được phát triển đúng ý nghĩa của nó cần thiết phải xây dựng Luật cho ngành Công tác xã hội. Do đó, ngày 15/11, Hội thảo đề xuất xây dựng Luật Công tác xã hội do Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cùng với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện nay cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ công tác xã hội. Cụ thể, các đối tượng cần sự trợ giúp của nhân viên CTXH gồm 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện…Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) cần được chú trọng và thực hiện ngay đó là Việt Nam cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Công tác xã hội ở Việt Nam
Theo đề án 32, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo mới và đào tạo lại 60.000 nhân viên Công tác xã hội với các trình độ khác nhau. Còn theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), sau 5 năm triển khai đề án 32, đến nay cả nước đã hình thành và phát triển được 413 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu.
Hiện nay, trong cả nước có khoảng hơn 20 trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng Công tác xã hội. Gần 100.000 cán bộ, nhân viên làm việc trong các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, tư pháp, các trung tâm bảo trợ xã hội… được đào tạo, tập huấn để xây dựng mạng lưới công tác viên nghề công tác xã hội nhằm mục đích giúp đỡ người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ từ cộng đồng.
Đối tượng chăm sóc của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người mong muốn nhận được sự che chở, bảo vệ và giúp đỡ từ xã hội… Chính vì vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn, người làm nghề công tác xã hội cần phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng thuyết trình…), trau dồi đạo đức nghề nghiệp bởi đây là nghề rất cần đến tấm lòng nhân ái.
Cần xây dựng Luật để phát triển nghề Công tác xã hội
Trong thời đại hội nhập, nghề công tác xã hội ngày càng phát triển. Điều đó đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tạo môi trường thuận lợi để nghề công tác xã hội có thể phát triển, hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội đang nảy sinh ngày càng nhiều.
Ông Jesper Moller, Phó trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam chia sẻ: Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới đã cho thấy vai trò, chức năng và sứ mệnh của người làm nghề công tác xã hội phải được quy định rõ ràng trong một khung pháp lý với những tiêu chuẩn cụ thể: tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn nghề, các quy trình cấp giấy phép và hành nghề công tác xã hội…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho hay: Trong năm 2016 – 2017, Dự kiến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu và xây dựng và hoàn thiện nội dung Luật về nghề Công tác xã hội, nghiên cứu và đánh giá tác động của Luật đến các hoạt động của ngành. Dự kiến trong năm 2018, Luật Công tác xã hội sẽ đưa vào đăng ký chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội.
0 on: "Cần thiết phải xây dựng Luật Công tác xã hội"