Có không ít người lầm tưởng công tác xã hội chính là công tác từ thiện, tuy nhiên công tác xã hội và công tác từ thiện đều là hành động giúp đỡ người khác nhưng lại khác xa nhau về mặt phương pháp, hiệu quả và có khi ngay cả động cơ. Ví dụ, khi thấy một đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, sẽ có người cho đứa trẻ đó tiền hoặc đồ ăn, thức uống để đứa trẻ có được một bữa ăn no bụng, hành động này được cho là công tác từ thiện. Nhưng sau đó thì sao ? Đứa trẻ vẫn phải đi lang thang, xin ăn qua ngày và hình thành tính ỉ lại, lười lao động. Trái lại, nếu có một người khác có thể đưa đứa trẻ tới một trung tâm xã hội, ở đấy đứa trẻ sẽ được học chữ, học nghề, được rèn luyện đạo đức, sống trong môi trường tốt hơn thì biết đâu sẽ trở thành 1 người tốt và có ích cho xã hội. Vậy đó, việc cho tiền rất dễ, nhưng để giúp người yếu thế trở nên tự lực lại đòi hỏi nhiều kiến thức khoa học, nhiều công phu và thời gian. Lúc này, đòi hỏi sự can thiệp của một nhà chuyên môn gọi là nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo về công tác xã hội một cách bài bản.
Công tác từ thiện - Lòng tốt cần đặt đúng chỗ
Công tác xã hội cần phải học còn công tác từ thiện thì chỉ cần lòng tốt, nhưng lòng tốt không được soi sáng, lắm khi có tác hại.
Bạn đã bao giờ nghe về câu chuyện chú khỉ tốt bụng chưa? Chú khỉ đang ngồi trên cành cây bỗng 1 cơn bão ập tới, ngó xuống dòng suối dưới chân mình khỉ thấy có 2 con cá đang bơi. Tưởng những con cá đang gặp tình cảnh giống mình, khỉ sợ cá chết đuối nên nhảy xuống vớt chúng lên để lên cành cây. Khi mưa tạnh khỉ ngạc nhiên không biết tại sao các chú cá lại vô ơn không nói lời cảm ơn mình. Hóa ra khi được vớt lên, do thiếu nước cá đã chết lúc nào không hay. Qua câu chuyện có thể rút ra bài học, giúp mà không hiểu bản chất và nhu cầu đối tượng thì có thể sẽ phản tác dụng và vô tình hại lại đối tượng đó.
Điều quan trọng cho mọi hành động là động cơ, Công tác xã hội có động cơ duy nhất là lợi ích của đối tượng được giúp đỡ, Công tác từ thiện phần lớn cũng có động cơ như vậy, tuy nhiên cũng có những động cơ không phải là người có nhu cầu.
Trên thực tế, có không ít người đi làm từ thiện để thỏa mãn nhu cầu tâm lý riêng của mình (để nổi tiếng, để xoá đi mặc cảm hay nỗi buồn nào đó). Ai cũng có nhu cầu tâm lý riêng nhưng phải đặt nhu cầu của người mình muốn giúp lên trước, có như vậy việc làm mới có hiệu quả.
Công tác xã hội - Cần hiểu rõ nhu cầu của đối tượng
Người xưa có câu “cho cần câu thay vì cho cá” và công tác xã hội được hiểu nôm na là “Giúp người để người tự giúp”.Muốn làm được như vậy, nhân viên công tác xã hội cần phải hiểu rõ đối tượng và nhu cầu của họ, giúp họ khắc phục mặt yếu kém và nhất là phát huy mặt mạnh để tự vươn lên.
Công tác xã hội không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội mà còn giúp phòng ngừa chúng, góp phần cải tạo và phát triển xã hội, mục đích cuối cùng mà nghề công tác xã hội hướng đến là công bằng xã hội và an sinh xã hội cho mọi người. Công tác xã hội là nghề không chỉ làm việc cá nhân, mà cả nhóm, tập thể và cộng đồng.
Để hoạt động có hiệu quả thì người muốn làm công tác xã hội phải được đào tạo bài bản. Việc học không khó bởi hiện nay có rất nhiều trường tuyển sinh ngành công tác xã hội, do đó, bạn có thể theo học từ các khóa ngắn hạn đến các bậc trung cấp, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,…
Hiện nay ở nhiều quốc gia, nếu các doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận cho công tác nhân đạo thì sẽ được miễn giảm thuế. Ở nước ta, các doanh nghiệp cũng ngày càng có xu hướng bảo trợ các chương trình nhân đạo. Điều này rất tốt nếu các nguyên tắc khoa học cũng như đạo đức nghề Công tác xã hội luôn được tôn trọng. Với một nhân viên công tác xã hội, cần hết sức nhạy bén về động cơ giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và về các mặt khác nhau của hiệu quả cuối cùng.
0 on: "Công tác xã hội và công tác từ thiện có gì khác nhau ?"