Công tác xã hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực y tế. Tại các cơ sở y tế, sự trợ giúp của nhân viên công tác xã hội đã góp phần tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh vơi người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và giữa bệnh nhân với nhân viên y tế. Điều này đã góp phần thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành vi tích cực, ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các mối quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân
Tầm quan trọng của công tác xã hội trong các cơ sở y tế
Tại các cơ sở y tế, tình trạng thường xuyên quá tải đã đẩy mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trở nên căng thẳng hơn, khi nhân viên y tế không có đủ thời gian để giải quyết hết những câu hỏi cũng như hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục cho bệnh nhân. Lúc này, đội ngũ công tác xã hội giữ vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ về vật chất, tâm lý và xã hội giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế và cơ sở y tế, với môi trường xã hội trong chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh, hỗ trợ việc kết nối các dịch vụ y tế với các dịch vụ thuộc lĩnh vực khác.
Nhiều năm trở lại đây, mô hình công tác xã hội và đội ngũ tình nguyện viên được một số bệnh viện tuyến trung ương áp dụng trong việc hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc… Mô hình này đã góp phần giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị tại các bệnh viện. Một trong số các bệnh viên đầu tiên áp dụng mô hình này là bệnh viện nhi Trung ương, khi đã thành lập tổ công tác xã hội. Mô hình được được đánh giá là hiệu quả vì đội ngũ công tác xã hội đã trở thành cầu nối giữa người bệnh và cán bộ y tế, tích cực vận động xã hội chung tay góp phần chia sẻ để vơi đi nỗi đau về thể xác, đem lại cho các em những niềm vui, những nụ cười, trợ giúp để giảm bớt những khó khăn với gia đình các cháu bé đang điều trị. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình công tác xã hội chính là các hoạt động được triển khai bởi một số cá nhân có tâm huyết chứ chưa có trong cơ chế tổ chức của ngành. Đội ngũ cán bộ tham gia mô hình chưa có kinh nghiệm do chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về kiến thức, kỹ năng công tác xã hội.
Làm sao để phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực y tế ?
Từ thực tế có thể thấy công tác xã hội trong lĩnh vực y tế là nhân tố quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo bà Hoàng Thị Bích Hường – Quyền giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân số - y tế, Bộ Y tế cho rằng: Để công tác xã hội trong lĩnh vực y tế phát triển cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Trước hết là nâng cao nhận thức về công tác xã hội cho bệnh nhân, người dân; đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ y tế. Sau đó cần xây dựng mạng lưới cán bộ công tác xã hội y tế, xây dựng mô hình công tác xã hội tại các cơ sở y tế, hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế…
Với mục tiêu đề ra, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân số - y tế đã xây dựng dự thảo đề án phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2010-2020. Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm hình thành và phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Theo đó, các hoạt động chủ yếu của đề án là: Nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, bệnh nhân và người dân; xây dựng mô hình điểm và phát triển mạng lưới công tác xã hội tại cơ sở y tế; đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế có nghiệp vụ công tác xã hội, xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy công tác xã hội trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động công tác xã hội trong lĩnh vực y tế; thực hiện nghiên cứu khoa học; hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Như vậy có thể nói, ngành công tác xã hội trong lĩnh vực y tế đã có một hướng đi rõ ràng. Nếu thực hiện tốt đề án, công tác xã hội sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
0 on: "Tầm quan trọng của công tác xã hội trong lĩnh vực y tế"